CÁM ƠN NHỮNG NGƯỜI THẦM LẶNG
Huyền Trang về đất Long Thành chúng tôi tạo
cho Khánh Long chúng tôi nhiều cảm xúc, vui mừng có và buồn lo cũng có, vui vì
GĐPT Khánh Long tuy nhỏ bé xa xôi mà các anh chị ở trên chiếu cố cho đăng cai kỳ
trại cấp Trung Ương, buồn và lo vì không biết khả năng chúng tôi sẽ phục vụ thế
nào đây, huynh trưởng đa số là những người lớn tuổi, các em nhỏ chưa thạo việc,
một chút sơ sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến việc chung của trại, của tổ chức.
Trại lần này Khánh Long chúng tôi có tham
gia bốn trại sinh, Anh Quang, Anh Phi Thanh, Chị Ngọc Tuyết, Chị An, còn lại
chúng tôi cùng chung sức phục vụ. Anh Liên đoàn trưởng kêu gọi anh em hết mình,
vì tổ chức GĐPT, vì màu lam thân thương.
Thật buồn khi bận công tác tôi không xuống
phục vụ thường xuyên cho trại được, nhưng nghe kể lại dù không đầy đủ cũng hạnh
phúc xiết bao, nghe kể rằng :
Các anh chị và các bạn biết không, Ni Sư của
chúng tôi khi hay tin trại về lòng cũng xôn xao không kém, Ni Sư bảo: “người ta
tin tưởng mới về, các con làm sao cho xứng đáng, Ni Sư có phải chuẩn bị gì
không?”, “không cụ ạ (chúng tôi gọi Ni Sư là cụ), cụ không phải lo gì cả, tụi
con chỉ sợ trại về đông đảo làm phiền cụ thôi”, “sao mấy con nói vậy, tạo điều
kiện cho các con tu học là việc làm của người xuất gia … ”. Vâng bấy nhiêu thôi
chúng con cũng đã nhớ ơn cụ rồi. Không phải nữa tháng đâu, hơn nữa, anh em chuẩn
bị cho Huyền Trang nhiều hơn thế nhiều, những lần ấy ít nhiều bận rộn cho Ni
Sư.
Vào trại, Ni Sư tất bật, điều động quí Ni
và Phật tử tham gia nấu nướng, đi chợ, lo từng bửa cơm cho trại sinh, nói chi
các buổi ăn trưa, ăn chiều, Ni Sư bưng từng nồi rau, nồi canh phục vụ, Ni Sư đến
từng bàn thăm hỏi, chuyện trò với trại sinh xem thiếu thốn gì không, đến bửa điểm
tâm sáng Ni Sư cũng lo đến từng ly sữa đậu nành cho quí anh chị, còn nhớ trưa
ăn xong có tráng miệng chè đậu trắng, ra từng bàn ăn cụ nói “cho ăn chè đậu để
kết khóa ai cũng đậu cả”, cụ cười, tụi con vui lây, còn nhiều nữa không kể hết
về Ni Sư, có chị huynh trưởng nói Khánh Long quá diễm phúc có Ni Sư trụ trì như
cụ. Các anh chị có biết không, Ni Sư chúng tôi đang bệnh đó, hàng ngày vẫn phải
uống và tiêm thuốc định kỳ…
Chuyện kể về Bác gia trưởng Khánh Long, Bác
không thường xuyên ở nhà vì công việc phương Bắc, ấy vậy Bác cũng tranh thủ về
Sài Gòn mua vật dụng cá nhân cho trại sinh, nào mâm ăn cơm, nào bàn chải, kem
đánh răng, nào khăn mặt, kem chống muỗi … Bác tặng luôn trại sinh đấy, bác còn
tặng trại nhiều nữa, các chi phí của trại, rồi băng đĩa v.v… quan trọng và thâm
tình nhất là Bác có mặt trong suốt kỳ trại, chuyện rất hiếm vì công việc hàng
ngày của Bác quá bận và quá xa nhà.
Cũng không thể nào không nhắc đến quý Phật
tử của tịnh xá, thay phiên nhau trong cả ba ngày, sáng đi chợ, nấu cơm nấu nước
phục vụ trại, trước đó chúng tôi có thưa với Ni Sư rằng để chúng con mướn người
nấu nướng phục vụ, cụ nói hãy để đó, Phật tử của chùa giúp cho, cám ơn, cám ơn
quý chị, quý cô bác đã âm thầm đóng góp công sức cho trại Huyền Trang thành
công.
Trong hơn nữa tháng này huynh trưởng nam giống
là công nhân môi trường, cắt cỏ dọn vệ sinh, là tiều phu vào rừng chặt tre làm
trại, là thợ sắt, thợ hàn, thợ khoan dùi lều trại phòng triển lãm, là thợ mộc
đóng sửa tủ bàn ghế, là nhân viên kỷ thật vi tính in ấn hàng trăm đĩa DVD, là
thợ khuân vác gồng gánh sân khấu, dọn kho bãi, là tất cả, tất cả những gì cần
thiết cho trại.
Anh Toàn, Liên đoàn phó, đôn đốc, đôi lúc cằn
nhằn anh em chậm trể không kịp tiếng độ, Anh Minh, tội nghiệp nhà có đại tang
chưa xong thất thứ nhất cũng tập trung không nở để anh em khổ cực, một tay anh
câu điện khắp nơi, sửa điện những bóng đèn những quạt hư hỏng, anh ấy là thợ điện
mà, anh Vy Nghĩa bận rộn nhất cũng bỏ công ăn việc làm xuống thiết kế làm cổng
trại cùng anh em, anh Lưu thì khỏi nói, bảo anh ấy là phụ huynh cũng đúng, nói
là một huynh trưởng cũng không sai, công sức và lòng nhiệt tình của anh ấy như
là huynh trưởng, lần này cũng vậy, tất cả mọi việc lớn nhỏ không nề anh cũng
làm cả, anh Quang thì rất bận rộn, sáng bận rộn gắn K+ phục vụ chúng sanh chiều
cũng tranh thủ vào tịnh xá, anh Phi Thanh những ngày gần kề bỏ cả chạy xe hợp đồng,
ảnh nói vợ đi xa không biết, tất bật ngày đêm, anh Tâm Liên Đoàn trưởng khỏi
nói, đã xem tịnh xá là nhà.
Các em ngành thanh cũng vậy, không đều nhưng xen kẻ
chia khổ cùng các anh. Tuấn, anh em Đình Hoàn An, em My nhà mãi tận Biên Hòa mà
cũng tập trung tham gia cả ngày căng lều trại, anh Lưu, anh Toàn và Hiếu dọn lễ
đài cũ làm căng tin, các em ngành oanh, ngành thiếu làm việc nhỏ nhưng cũng đủ
lớn để khuân vác 10 cái đơn (nặng lắm) bố trí chỗ ngủ cho các anh chị và dùng
phương trượng làm hội trường học tập, quý anh chị nào vào trại có ngủ trên các
cái đơn trong đoàn quán và phòng khách nhớ là các em ngành oanh khiêng đấy, nhỏ
nhưng rất hăng, và các em cũng tập trung 3 đêm tập văn nghệ chuẩn bị giao lưu,
toàn là diễn viên không chuyên …, các chị ngành thanh như chị Trinh, chị Xuân
nghe nói thêu thùa đan móc gì giỏi lắm, cùng sắm sửa và trang hoàng gian hàng
triển lãm mấy ngày, phải kể đến Vũ Phong (ba của oanh vũ Phúc) dùng xe tải chở
bàn ghế, kiêm luôn bốc xếp từ Chùa Viên Âm và Bửu Thiền về làm bàn học trong hội
trường, anh ấy không lấy tiền xe, không biết còn ai nữa … à còn Thầy Phúc (ba của
Huỳnh Quỳnh) nữa …
Thế rồi trại cũng đến, anh em trại sinh bắt
đầu tập trung, chiều 18-10 anh Tâm và anh Phi Thanh trả lời điện thoại í ới, chỉ
đường về tịnh xá nóng cả điện thoại, hóa ra tịnh xá khó tìm. Vào trại thanh thiếu
oanh túc trực, chương trình trại chúng ta không có để chuẩn bị, thôi thì cứ sẵn
sàng, anh chị trại sinh cần gì trong khả năng chúng ta giúp.
Nhớ căn tin chị Nhẫn phụ trách, tôi mà biết
chị bán 6.000 đ/ly café đá Trung Nguyên thì tôi uống mãi rồi, món nào cũng rẽ, nghe
nói không tiền nên anh chị ngành thanh hùng vốn lại lập căn tin, khi mua xong về
bán câu trời hoàn vốn, chị Nhẫn ngủ cả lại cả ba ngày để phục vụ, bỏ quán trên
chợ ai coi vậy chị, cũng may có chị Kim Thanh, Thảo, Khuê, Hồng và vài buổi chị
Yến trông phụ, nhóm ngành thiếu chạy lung tung có giúp gì cho chị không, có thò
tay ăn quà vặt của ngành thanh của chị không? Rất là cực nhưng rất là vui phải
không chị.
Lại nữa nghe nói các em ngành thanh, anh em
Đình Hoàn An và My đang thực tập của trường Cao đẳng Y tế cũng xin phép nghỉ để
phục vụ, nghe nói các em ngành thiếu nghỉ cả học thêm thường ngày xuống đất trại
cùng anh em …, nhìn các em ngành thiếu phục vụ cơm thấy vui vui, khen Tuấn thiếu nam, khen Vinh, Vương mới vào gia đình mà nhiệt tình không kém.
Có những việc nhỏ nhưng nghe cũng ấm tình,
có chị trại sinh lâu ngày không mang giày phồng chân, hỏi thiếu nữ mua dùm ở
đâu, trên chợ xa lắm, an tâm chị Yến chạy mua tặng ngay cho chị ấy, các chị Thảo
Yến mua “giò cháo quẩy” phục vụ nghe nói ăn cháo ngon hơn, tất bật, tất bật. Lớn
hơn nghe nói gạo của ba ngày trại là của chị Ngọc Tuyết tặng 100kg, mít kho là
của anh Phi Thanh, …
…
Còn nữa và còn nữa, còn người trẻ, còn người
già hai thứ tóc, không thể nói hết được các anh chị ạ, họ là những người thầm lặng,
âm thầm phục vụ, không phải để được nổi tiếng, cũng không phải để được ngợi khen,
hỏi họ phục vụ cho ai vậy, họ mĩm cười và bảo không phục vụ cho ai cả, họ chỉ
phục vụ cho màu lam, cho hoa sen trắng đang cài trên ngực áo !